Chống thất thoát nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch cấp nước an toàn nhằm cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn quy định. Thất thoát nước tại các đơn vị cấp nước thường có hai nguyên nhân chính là thất thoát do nguyên nhân quản lý và thất thoát do nguyên nhân kỹ thuật.
Hiện nay bất kì hệ thống cấp nước nào cũng đều bị thất thoát một lượng nước nhất định. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát nước trong đó chủ yếu là do nguyên nhân kỹ thuật như: rò rỉ trên mạng lưới tuyến ống cấp nước, thi công không đúng kỹ thuật, vỡ ống do đào đường, ăn cắp nước… trên thực tế cho thấy thất thoát nước phần lớn là do rò rỉ trên đường ống vì đường ống cấp nước được chôn ngầm dưới nền đất nên công tác tìm kiếm rò rỉ rất khó khăn.
Trước tình hình này, năm 2010 Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 2147/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 với mục tiêu huy động và tập trung các nguồn lực cho hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân từ 30% năm 2009 xuống dưới 15% vào năm 2025.
Chống thất thoát nước sạch nhờ ứng dụng Khoa học và Công nghệ. Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo, triển khai Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2011 – 2016 tầm nhìn đến năm 2025, đơn vị cấp nước các tỉnh đã chủ động xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, với các giải pháp cụ thể: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức đặc biệt là các bộ phận quản lý, đào tạo và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, các giải pháp kỹ thuật về phân vùng, tách mạng, trang bị phần mềm, thiết bị quản lý về đầu tư, thay thế cải tạo mạng lưới đường ống, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng…
Một số đơn vị cấp nước đã quyết tâm cũng như tập trung các nguồn lực cho các hoạt động, dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch đã đạt được kết quả đáng khích lệ như đơn vị cấp nước các tỉnh, TP: Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, TT-Huế…
Tiêu biểu, tại TP.HCM, dự án chống thất thoát, thất thu nước khu vực I của TP.HCM do WB tài trợ kết thúc vào tháng 6/2013, giúp tăng sản lượng ghi thu thêm 90 nghìn m3/ngđ cho khu vực I. Với hiệu quả triển khai giảm thất thoát tại khu vực I của TP.HCM, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã tập trung các nguồn lực triển khai các hoạt động từ phân vùng tách mạng, kiểm soát áp lực nước, đầu tư cải tạo, thay thế mạng đường ống cũ, rò rỉ, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều khiển hệ thống cấp nước… Tỷ lệ thất thoát, thất thu của TP.HCM năm 2012 là 36,5%, đến nay đã giảm còn 28% (giảm trên 8%).
Về giải pháp giảm thất thoát nước sạch, đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết, ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp mà Tổng công ty cấp nước Sài Gòn chú trọng nhất nhằm đạt mục tiêu được giao. Tổng công ty đã đưa hệ thống quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào hoạt động, xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát SCADA…
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảm thất thoát và quản lý mạng lưới gồm thiết bị dò tìm rò rỉ, dò ống, dò van, thiết bị định vị GPS và các thiết bị hiện đại khác. Máy dò bể ống nước và bút điện tử nghe rò rỉ cũng là những thiết bị giúp việc khắc phục rò rỉ nước sạch đạt hiệu quả. Máy dò bể ống nước được sử dụng để xác định vị trí ống bị bể ở các con đường, tuyến hẻm trước nhà dân. Bút điện tử nghe rò rỉ được dùng để xác định chính xác vị trí ống rò rỉ, nhất là ở tại đồng hồ nước hộ gia đình và đường ống nước dẫn vào nhà.
Việc sử dụng các thiết bị hiện đại này đã giúp việc sửa chữa ống rò rỉ chính xác và nhanh chóng hơn, đạt hiệu quả cao trong giảm thất thoát nước sạch.
Ngoài ra, tại Đà Nẵng, sau khi triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Hà Lan, Cty Cấp nước Đà Nẵng đã đẩy mạnh các hoạt động giảm thất thoát nước như dò tìm và thay thế các tuyến ống có tỷ lệ vỡ cao, tách mạng và lắp các thiết bị giám sát lưu lượng, áp lực, đào tạo công nhân vận hành, trang bị các thiết bị dò tìm rò rỉ. Hiệu quả giảm thất thoát của Cty đạt kết quả cao, tỷ lệ thất thoát thất thu từ 40% trước khi có dự án xuống còn 19% (giảm 21%).
Bên cạnh đó, còn một số đơn vị cấp nước tiên phong khác có kết quả chống thất thoát, thất thu nước sạch vượt chỉ tiều đề ra như: TT-Huế đạt 13%, Bình Dương đạt 9%, BR-VT 9%, Hải Phòng đạt 13,7%, Hải Dương đạt 13%.
Hoàng Anh