(TBKTSG Online) – Dự kiến cuối năm 2015 này TPHCM sẽ khởi công xây dựng 6 cống ngăn triều lớn gồm cống Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 68 cống ngăn triều nhỏ, gần 7 km đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn giúp chống ngập cho khu vực trung tâm TPHCM.
MỘt người dân quận 12, TPHCM tát nước khỏi nhà trong cơn mưa gây ngập nặng đường Nguyễn Văn Quá vào giữa tháng 9 vừa qua – Ảnh: Văn Nam |
Dự kiến các công trình cống ngăn triều chống ngập này sẽ hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Vốn cho các công trình này là 9.850 tỉ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ nguồn cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết qua trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp tại UBND thành phố sáng nay (29-9).
Đây được xem như “tin vui” cho hàng triệu người dân thành phố bởi tình hình ngập úng ngày càng nghiêm trọng. Các dự án chống ngập quy mô lớn dù đã được phê duyệt từ rất lâu nhưng đến nay vẫn án binh bất động, triển khai rất chậm chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: thiếu vốn!
Ông Công cho biết theo để tạo thành một tuyến đê bao, cống ngăn triều khép kín chống ngập cho toàn bộ nội thành TPHCM, giúp xóa ngập triệt để 31 điểm ngập cho khu vực trung tâm thành phố thì hiện chính quyền thành phố đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn để trong năm 2016 tiếp tục xây thêm hai cống ngăn triều lớn khác là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên.
“Ngoài cống kiểm soát triều vòng ngoài, bên trong nội đô thành phố tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống cống thoát nước, nâng cao đường trũng cục bộ thì mới hy vọng đến năm 2018 giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay, khi đó thành phố mới hết ngập được”, ông Công nói.
Giải thích về 6 điểm ngập nặng sau trận mưa ngày 15-9 vừa qua (Nguyễn Văn Quá, Kinh Dương Vương, Mễ Cốc, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Đồng), ông Công cho biết sở dĩ đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) ngập nặng là do đường này bị lún và hiện đang nâng cấp tạm thời.
Còn đường Kinh Dương Vương (Bình Tân) đang được thi công các công trình chống ngập dở dang nên đương nhiên còn bị ngập, dự kiến cuối năm 2015 đường này sẽ hết ngập …
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín, TPHCM lâu nay bị ngập có nguyên nhân do mưa tần suất lớn hơn, triều cường xâm nhập nội thành qua các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ thông qua 9 cửa sông lớn và 68 cửa kênh rạch nhỏ khiến thoát nước khó khăn. Do vậy, giải pháp căn cơ vẫn là xây dựng các cống ngăn triều, đê bao và cải tạo hệ thống thoát nước nội thành mới kỳ vọng giúp chống ngập triệt để.
Tại cuộc hợp về giải pháp chống ngập cho TPHCM sáng nay, các chuyên gia đến từ Đài Loan, Đức, Nhật Bản … cho rằng tình trạng ngập lụt tại TPHCM đã tới mức “báo động đỏ”, nhất là qua các trận ngập trong tháng 9 năm nay, đặc biệt là cơn mưa tại thành phố ngày 15-9 vượt tần suất 142 mm chỉ trong 45 phút.
Cơn mưa kỷ lục ngày 15-9 đã làm 77 tuyến đường tại thành phố bị ngập nước với các điểm ngập có diện tích từ 400 m2 đến hơn 31.300 mét vuông. Các tuyến đường ngập nặng nhất là Nguyễn Hữu Cảnh (ngập sâu 0,6m), Kinh Dương Vương (ngập 0,5m), Gò Dưa, Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân, Quốc Hương … Lượng mưa trong ngày 15-9 đạt đến 142 mm và đây là lượng mưa cao nhất trong nhiều năm qua.
Ông I Chang Tsai, một chuyên gia chống ngập từ Đài Loan cho biết, với biến đổi khí hậu bất thường như hiện nay thì TPHCM cần phải tính tới tình huống xấu nhất có thể xảy ra: 12% dân số thành phố chịu thiệt hại, 23% đất đai bị xói mòn không sử dụng được, thậm chí GDP có thể bị thụt lùi nhiều năm do phát sinh lũ lụt lớn.
Ông OlafJueHner, một chuyên gia chống ngập đến từ Đức cho biết thành phố Hamburg của Đức có một nét tương đồng với TPHCM là cùng bị tác động của triều cường. Tuy nhiên, nếu trước đây châu Âu chống ngập thiên về các giải pháp công trình chống lại tự nhiên thì những năm gần đây các nước châu Âu bắt đầu bước theo triết lý “sống chung với lũ”, tạo không gian dành cho nước, chấp nhận quy luật của tự nhiên bởi chống lại thiên nhiên có khi sẽ nhận lấy thất bại.