Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng tại cuộc họp đánh giá kết quả cải thiện chất lượng môi trường sống giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai mục tiêu trong giai đoạn 2016 – 2020. Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc gia tăng dân số nhanh chóng cùng với việc phát triển kinh tế ở mức độ cao đã làm cho môi trường thành phố vốn ô nhiễm lại ngày càng ô nhiễm nặng nề.
Xây dựng các khu nước thải tập trung tại các KCN-KCX, cụm công nghiệp, nhà máy… nhằm cải thiện môi trường thành phố. Ảnh: CAO THĂNG
Ô nhiễm vẫn còn là nỗi lo
Nhìn nhận về quá trình triển khai chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong suốt 5 năm qua, Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết đã từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Cụ thể, về nước thải, đã kiểm soát gần 4.000 nguồn thải, trong đó nguồn thải có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn với lưu lượng từ 50m³/ngày đêm trở lên khoảng 82%, từ 30 – 50m³/ngày đêm trở lên khoảng gần 70% và từ 10 – 30m³/ngày đêm đạt 60,5%. Về khí thải, trong số 1.000 nguồn thải có phát sinh khí thải tại nguồn, có đến 72% nguồn thải đã có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn.
Riêng với chất thải rắn đô thị và chất thải y tế, 100% khối lượng phát sinh đều được thu gom và xử lý. Gần đây nhất vào tháng 10 – 2015, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các cửa xả. Đồng thời, thiết lập đường truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát thường xuyên, liên tục và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Trước đó, 100% các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các nhà máy trong khu được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường.
Song song với quá trình nâng cao năng lực quản lý môi trường, các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường cũng được chú trọng. Nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, gìn giữ vệ sinh môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện và duy trì thường xuyên. Nhiều sáng kiến, mô hình bảo vệ môi trường của các cấp ngành được quan tâm và đang triển khai thực hiện thí điểm tại địa phương, trường học như mô hình câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ môi trường, khu nhà trọ công nhân xanh, con hẻm xanh, khu phố không rác…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, cũng phải thừa nhận rằng, trong 5 năm triển khai chương trình, thành phố vẫn chưa thể đạt hết những mục tiêu đề ra. Đáng kể nhất là việc kiểm soát ô nhiễm chưa đồng bộ. Dữ liệu về các nguồn thải chưa thống nhất và thiếu phần mềm cập nhật dữ liệu trực tiếp từ địa phương. Với hệ thống các cụm công nghiệp, rất khó để có thể kêu gọi đầu tư hạ tầng xử lý chất thải. Hệ quả kéo theo là các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp không đảm bảo yêu cầu chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.
Một vấn đề nan giải nhất mà cho đến nay thành phố vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả là tình trạng ô nhiễm hệ thống kênh rạch. Kế hoạch triển khai các chương trình cải tạo, nạo vét kênh rạch, cải tạo hệ thống thoát nước các dự án xử lý nước thải đô thị tập trung không theo kịp so với mục tiêu đề ra mà nguyên nhân chính là nguồn vốn đầu tư quá lớn. Trên thực tế, với nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và Bình Hưng có tổng công suất khoảng 171.000m³/ngày đêm chỉ có thể xử lý 13% lượng nước thải đô thị của thành phố. Số còn lại buộc phải thải bỏ ra ngoài hệ thống kênh rạch khiến cho chất lượng nước mặt của kênh rạch bị ô nhiễm nặng. Tỷ lệ rác thải cần phải tái chế đạt 40% cũng không đạt yêu cầu.
Cải tạo chất lượng môi trường
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tăng cường sự tham gia phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong việc vận động, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường trong xã hội; đa dạng hóa thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư lĩnh vực giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý kiểm soát nguồn thải. Đối với công tác kiểm soát nguồn thải công nghiệp, y tế, dịch vụ, bên cạnh việc tăng hiệu quả giám sát sẽ xử lý thật nghiêm trường hợp vi phạm môi trường. Triển khai chương trình xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở không phù hợp quy hoạch. Duy trì trạm quan trắc chất lượng nước thải tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đồng thời triển khai lắp đặt trạm quan trắc tự động tiếp cho các cụm công nghiệp và doanh nghiệp có lưu lượng nước thải trên 1.000m³/ngày đêm.
Riêng với công tác kiểm soát khí thải thì ngoài việc tăng cường đầu tư hệ thống mạng quan trắc sẽ đẩy mạnh tăng cường mảng xanh đô thị kết hợp với giải pháp phát triển giao thông xanh và tiết kiệm năng lượng. Còn với cải thiện chất lượng nước mặt thì đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị, kết hợp với các tỉnh thành khu vực lân cận kiểm soát tốt nguồn nước thải ra hệ thống sông, kênh rạch.
Theo các chuyên gia môi trường, chỉ khi nào những giải pháp đề ra trên được triển khai và thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị thì thành phố mới có thể đạt được mục tiêu 95% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm trở lên đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; 100% khối lượng chất thải rắn, chất thải y tế và nguy hại phát sinh mới được thu gom và xử lý an toàn cho môi trường. Đặc biệt, việc thu hút hiệu quả nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xử lý chất thải bằng cách đưa ra những chính sách ưu đãi hợp lý và bền vững sẽ là yếu tố quan trọng giúp thành phố giảm thiểu chi phí do phải xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp.
Mặt khác, tăng lượng rác thải tái chế, tận dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên rác. Và điểm mấu chốt cuối cùng là nhanh chóng đưa vào hoạt động và vận hành nhà máy xử lý nước thải đô thị. Việc đưa những nhà máy này vào hoạt động không đơn thuần giúp thành phố giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt mà còn giúp thành phố giảm ngập hiệu quả – một trong những yếu tố đang kéo giảm tốc độ phát triển của thành phố và tăng lãnh phí xã hội.
MINH XUÂN