Bắc Giang có địa hình được bao bọc bởi 3 con sông là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam nên diện tích vùng chiêm trũng, ao, hồ nhiều. Vì vậy, nguồn nước sinh hoạt tại nhiều xã, nhất là các xã ở huyện Yên Dũng, Việt Yên bị nhiễm sắt, đá vôi gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Những xã chưa có nước sạch, người dân thường sử dụng các bể lọc bằng cát, sỏi để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp lọc thô, đơn giản nên chất lượng nguồn nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Trước thực trạng trên, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bắc Giang nghiên cứu và ứng dụng thành công mô hình xử lý lọc nước nhiễm sắt ở huyện Yên Dũng. Mô hình này áp dụng phương pháp xử lý nước hoàn toàn bằng oxy không khí, không sử dụng hóa chất là một giải pháp có thể áp dụng cho xử lý các nguồn nước (nước ngầm và nước mặt), đặc biệt là nguồn nước ngầm có hàm lượng sắt cao (lớn hơn 6 mg/l).
Ông Đào Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bắc Giang cho biết, giải pháp này tuyệt đối không sử dụng hóa chất mà sử dụng đồng thời tất cả các phương pháp oxy hóa bằng oxy không khí, đồng thời bổ sung thêm một thiết bị sục khí cưỡng bức để gia tăng hàm lượng oxy không khí liên tục làm cho nước ngầm luôn bão hòa khí oxy. Khi đó quá trình oxy hóa tất cả các chất có trong nước ngầm nhiễm phèn hoặc/và có độ cứng cao sẽ xảy ra hoàn toàn. Giải pháp có thiết bị gọn nhẹ, dễ lắp đặt, dễ sử dụng, vật liệu có thể làm bằng nhiều loại, miễn là có 4 ngăn chứa hoặc 4 thùng, bể nối với nhau. Người dân có thể tự lắp đặt được nên rất phù hợp với quy mô gia đình cho đến quy mô cụm dân cư, làng, xã. Do ứng dụng phương pháp lọc ngược nên đơn giản trong súc rửa bộ lọc (chỉ cần xả van ở đáy bộ lọc) có thể định kỳ 1 – 2 tháng/lần hoặc tùy theo lượng cặn bẩn nhiều hay ít; chi phí đầu tư thấp nên phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn. Với quy mô nông hộ, công suất 3 m3/ngày, toàn bộ hệ thống giá từ 2 – 3 triệu đồng (nếu xây bằng gạch), giá từ 3 – 4 triệu đồng (nếu làm bằng nhựa nhiệt dẻo), 5 – 6 triệu đồng (nếu làm bằng vật liệu inox).
Ảnh minh họa
Trung tâm chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã Tư Mại và Yên Lư, huyện Yên Dũng đã khảo sát, lựa chọn 16 hộ dân tại các thôn ven sông chưa có nguồn nước sạch tập trung và đã có bể xây chứa nước sinh hoạt, có đủ vốn đối ứng để triển khai mô hình. Cơ quan chủ trì đã lắp đặt, vận hành và phân tích chất lượng nước trước và sau khi lọc, từ đó sẽ có những điều chỉnh hệ thống lọc nước phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Sau khi bàn giao cho các gia đình sử dụng, nguồn nước được Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Giang kiểm định đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn quốc gia QCVN 02:2009/BYT.
Theo ông Đào Trọng Nghĩa, mô hình sẽ được nhân rộng tại địa phương bởi hiệu quả kinh tế – xã hội rất thiết thực. Giải pháp khoa học công nghệ này đã xử lý được triệt để các nguồn nước nhiễm sắt, đá vôi dựa vào quá trình oxy hóa và nguyên lý lọc ngược sẽ giúp người dân có được nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống, hạn chế những bệnh tật liên quan đến đường ruột, tiêu hóa… thậm chí có thể là ung thư, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, giải quyết vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao đời sống dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
(Nguồn: tinmoitruong)