TP. HCM là địa phương có khối lượng bùn thải lớn nhất nước. Tuy nhiên, để xử lý bùn thỉa vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự có hướng giải quyết cụ thể.
Từ 2008, UBND TP.HCM đã giao cho Công ty Thoát nước Đô thị chuẩn bị dự án đầu tư “Xây dựng trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý bùn Đa Phước, công suất: 3.000m³/ngày đêm” rộng 42,05ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh). Báo cáo dự án đầu tư đã hoàn thành và chuyển sang Sở TN&MT xem xét từ năm 2009, nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan mà yếu tố quan trọng nhất là dơn vị này chưa có nguồn vốn đầu tư.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với công tác xử lý bùn thải là hiện nay là TP.HCM không dự trù bất cứ khoản kinh phí nào để xử lý các bùn thải phát sinh từ dịnh vụ công (bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn thải hoạt động nạo vét kênh rạch). Vì vậy, bùn thải các loại trên thường thường được đổ tự do ở những khu vực thích hợp để có chi phí thấp nhất mà không xử lý. Theo ước tính của Sở TN&MT, chi phí xử lý các loại bùn trên khoảng 300.000 đồng/tấn và trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Trung Việt– Trưởng phỏng quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết: Sở TN&MT đang kêu gọi đầu tư từ các nguồn tài chính khác nhau với mục tiêu xã hội hóa hoạt động xử lý bùn thải. Phương án đầu tư thích hợp nhất là BOO (Xây dựng – Vận hành – Sở hữu) và thành phố sẽ trả chi phí xử lý (vốn đầu tư và chi phí vận hành) cho chủ đầu tư với các loại bùn thải từ các công trình công cộng. Chi phí xử lý các loại bùn khác do chủ nguồn thải chi trả theo nguyên tắc “người hưởng dịch vụ phải trả tiền cung cấp dịch vụ”.
Bùn hầm cầu được thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng và được xử lý bằng phương pháp cơ học kết hợp sinh học hiếu khí (tự nhiên) và sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ tại nhà máy xử lý bùn Hòa Bình, Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh). Ngoài ra, bùn thải từ các khu xử lý nước thải tập trung có các thành phần độc hại cũng được xử lý theo phương pháp riêng và tương đối triệt để.
Đối với bùn thải từ nạo vét kênh rạch, cống rãnh, trước đây được Công Thoát nước Đô thị và các công ty Dịch vụ công ích của các quận huyện thu gom vận chuyển về bãi rác Đông Thạnh (quận 12). Tuy nhiên, từ khi bãi chôn lấp Đông Thạnh đóng cửa, lượng bùn thải khổng lồ này không có chỗ đổ xác định.
Đối với bùn thải của các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, Ông Nguyễn Trung Việt cho biết: Bùn thải từ các trạm, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập được vận chuyển đến các bãi chôn lấp vệ sinh, các địa điểm “không xác định” hoặc được xử lý bằng phương pháp sinh học hiếu khí, sản phẩm được sử dụng để chế biến phân hữu cơ. Tuy nhiên công nghệ chế biến phân hữu cơ của Nhật Bản áp dụng tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ( huyện Bình Chánh) chưa hoàn thiện, gây mùi hôi thối nặng nề đến môi trường xung quanh. Hiện tại, Nhà máy Bình Hưng đang “lưu giữ” 4.000 tấn bùn thải và mỗi ngày lại phát sinh thêm 40 tấn, ngày đêm gây ô nhiễm trực tiếp đến các khu dân cư xung quanh.
Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh lượng bùn thải các loại tổng cộng khoảng 3.000 – 4.000m³/ngày (tương đương 5.000 – 6.000 tấn/ngày. Nguồn bùn chủ yếu từ từ hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đô thị, bùn thải từ hệ thống thoát nước thải công nghiệp, bùn thải từ các hoạt động nạo vét kênh rạch định kỳ, bùn hầm cầu, bùn thải từ các trạm, nhà máy xử lý nước cấp, bùn thải từ các công trường xây dựng…
Trong khi đó, theo quy hoạch, trong tương lai gần, TP.HCM sẽ có thêm 7 – 9 nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các lưu vực khác nhau với công suất mỗi nhà máy xử lý dao động từ 100.000m³/ngày đêm đến 500.000m³/ngày đêm. Đồng thời, TPHCM còn có hàng ngàn trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu dân cư mới, chung cư các loại, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, các cơ sở y tế (bệnh viện, trạm y tế, phòng khám…) với công suất từ vài m³/ngày đêm đến vài trăm (ngàn) m3/ngày đêm….trở thành một áp lực rất lớn đối với TP.HCM.
Nguồn: monre.gov.vn