Ảnh minh họa
Ông Trần Hồng Khánh, thôn Văn Hà 2, xã Quảng Văn, Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ với VOA: “Hợp đồng rác là 1 xe rác 1 tháng nộp 170 ngàn đồng. Nhưng nhiều người họ đổ ngoài, không vào trong để khỏi phải nộp phí, đỡ tiền bến bãi. Từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm dọc đường nhiều, hỗn loạn chỗ đó.”
Bà Phạm Thị Thoang, xã Quảng Văn, cho biết: “Bãi rác này mỗi lần đốt thì khói, mùi bay ra khắp thôn xóm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mọi người, trẻ con rất khó chịu, ho, sổ mũi, nhức đầu… Người lớn cũng không tránh khỏi.”
Bãi rác thị xã Ba Đồn nằm ở vị trí khá cao, bên cạnh con sông chảy qua các xã Quảng Lưu, Quảng Văn. Người dân dùng nước sông để nấu nướng, tắm táp, giặt giũ.
Bà Phan Thị Cúc, một cư dân khác trong xã, bức xúc: “Nước ngấm từ bãi rác chảy xuống đê của xã Quảng Lưu đen xì, nước trong bể đen ngòm, ô nhiễm không uống được, phải chở nước bình về uống. Tôi có bầy bò, trước vẫn bình thường, ăn uống, sinh đẻ bình thường. Nhưng năm ngoái, chúng ăn ở gần bãi rác chết cả bầy 8 con. Nhưng không ai đền bù gì cả. Gia đình tôi đã phải thế chấp khế ước nhà để vay hơn hai trăm triệu để mua bầy bò đó mà..”
Ruồi nhặng xuất hiện dày đặc ở khu dân cư gần bãi rác, không khí và nguồn nước ô nhiễm, nhà nhà đóng cửa, giăng mùng suốt ngày để tránh ruồi nhặng.
Bà Phan Thị Cúc tiếp lời: “Màn trắng thành màn đen vì ruồi bu quá nhiều. Đến bữa ăn thì phải bỏ màn vì ruồi nhặng bu đầy. Cái gì họ cũng đổ ở bãi rãi, trâu bò chết họ cũng bỏ đó, cá chết dưới biển, họ cũng mang lên đây đổ cả xe.”
Không riêng gì ở bãi rác trong thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, mà phần lớn các bãi rác tại Việt Nam đều rất tệ hại bởi thiếu khâu xử lý một cách khoa học. Rác không được phân loại và không có nhà máy xử lý, đổ lộ thiên. Người ta kinh doanh rác bằng cách qui hoạch khu đất nào đó thành bãi rác, sau đó đánh thuế 150 ngàn đồng trên mỗi xe rác. Trong tình trạng này, rác vẫn cứ là rác, thay vì rác nằm ngoài sông, ngoài đường rải rác, thì rác về chất thành núi, thành những quả bom rác chất ngất ở một nơi nào đó. Rác chất càng cao, tiền thu được càng nhiều, rác cũng là quả bom tiền cho kẻ biết nắm lấy cơ hội.”
Trường hợp rác gây ô nhiễm nặng, gia súc, gia cầm bị chết, người bị nhiễm bệnh do bom rác gây ra không phải là hiếm. Và câu chuyện gia đình bà Cúc bị chết tám con bò trong một ngày sau khi chúng đi ăn gần bãi rác cũng không phải là chuyện cá biệt khi mà rác đã thực sự tích tụ thành núi, thành những quả bom môi trường. Bom rác nở rộ như nấm sau mưa, người dân phải đề xuất phương án xử lý thay cho cơ quan chuyên môn.
Miền Trung vừa bị nhiễm độc biển, luôn bị những quả bom nước các thủy điện đe dọa vào mùa mưa. Và giờ lại thêm những quả bom rác tàn phá vào mùa nắng. Có vẻ như môi trường miền Trung đang bị tứ bề trùng vây.
(Nguồn: Theo voatiengviet.com)