Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới nhưng cũng sở hữu hệ thống quản lý rác thải kém hiệu quả nhất.
Công trình do nhóm các giáo sư môi trường tại Đại học Georgia (Mỹ) thực hiện, công bố lần đầu trên tạp chí khoa học Science. Họ ước tính hơn 190 nước đã thải ra đại dương 8,8 triệu tấn rác thải mỗi năm, gồm túi nilon, chai lọ, dao kéo, bao bì thực phẩm, bàn chải đánh răng và nhiều loại khác. Báo Washington Post trích nghiên cứu cho biết, những quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất đều là các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Đó là Trung Quốc (2,4 triệu tấn rác/năm, chiếm 28% tỷ lệ so với thế giới), Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Quốc gia phương Tây duy nhất có mặt trong top 20 nước gây ô nhiễm đại dương là Mỹ (77.000 tấn, hạng 20). Nhóm nghiên cứu lý giải rằng phần lớn các nước phát triển có hệ thống thu gom rác ngăn không cho chúng trôi ra biển. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc sản xuất các sản phẩm nhựa của thế giới tăng đến 620% kể từ năm 1974. Nhà khoa học Jenna Jambeck, chủ trì đề tài, tính toán các nước đã thải ra biển khoảng 12,7 triệu tấn rác tính đến năm 2010. Đến năm 2015, lượng rác tích lũy trên các đại dương có thể đạt đến 170 triệu tấn. “Nếu rác thải là vật liệu tự nhiên thì vấn đề không đáng báo động. Chúng tôi xem những kết quả này là lời cảnh tỉnh”, bà Jambeck nói trên CNN. Báo New York Times cho biết, nghiên cứu của nhóm tác giả tại Đại học Georgia sử dụng dữ liệu năm 2005 của Ngân hàng Thế giới về lượng rác mà mỗi người thải ra mỗi năm, tỷ lệ sản phẩm nhựa trong lượng rác, và số lượng rác có thể bị đẩy ra biển vì những biện pháp quản lý rác thải không hiệu quả. Các chuyên gia nhận định việc rác thải tràn ngập ở đại dương kéo theo nhiều hệ lụy, như ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cuộc sống của các sinh vật biển, nguồn hải sản làm thực phẩm cho con người sẽ ăn phải các mảnh rác và bị nhiễm độc, từ đó gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.