Các vấn đề liên quan đến nước ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp, do sự gia tăng về dân số, quá trình đô thị hóa, sự suy thoái chất lượng nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước (TNN). Ngày Nước thế giới (22-3) năm nay chọn chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”.

 

Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu về TNN trên thế giới, hiện nay có khoảng một phần ba số quốc gia trên toàn cầu bị thiếu nước; dự báo đến năm 2030, có khoảng 1,8 tỷ người sống tại khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và hai phần ba số dân trên thế giới sẽ sống trong điều kiện khó khăn về cung cấp nguồn nước.

Nguyên nhân, là do sức ép dân số khiến cho TNN ngọt của thế giới ngày càng suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra một cách nhanh chóng ở nhiều quốc gia, nhưng trong quá trình sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý các vấn đề môi trường, lại chưa được các quốc gia này thật sự coi trọng.

Kết quả nghiên cứu, do Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện cho thấy, tại các nước đang phát triển ước tính có khoảng 90% lượng nước thải không được xử lý và được xả thẳng vào nguồn nước tự nhiên.

Vì vậy, tình trạng ô nhiễm nước giờ đây được coi là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, mà các quốc gia tại khu vực này đang phải đối mặt. Ngoài ra, do gia tăng nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, để đáp ứng nhu cầu về lương thực cho con người, dẫn đến tình trạng ngành nông nghiệp ngày càng phụ thuộc vào nguồn nước tưới lấy từ sông, hồ và nước dưới đất. Đáng lo ngại, tình trạng khan hiếm nước ở nhiều quốc gia, đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh lương thực, sức khỏe, tính mạng con người và sự bền vững của hệ sinh thái tự nhiên…

Các nhà khoa học trong lĩnh vực này nhận định: Thế kỷ 21, bên cạnh việc loài người phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác mang lại, thì chúng ta còn phải đối phó với hiểm họa thiếu nước. Bởi vì, nguồn TNN tưởng chừng như vô tận, song trong thế kỷ này sẽ quý giá không kém gì dầu lửa, có thể là nguyên nhân xung đột ngoại giao và xung đột vũ trang giữa nhiều quốc gia trong tương lai. Phát triển bền vững là mục tiêu phát triển của nhân loại khi bước sang thế kỷ 21.

Tại Hội nghị cấp cao Trái đất về Môi trường và Phát triển lần thứ nhất tổ chức tại Ri-ô đờ Gia-nây-rô (Bra-xin) và Hội nghị cấp cao thế giới về Phát triển bền vững tại Giô-han-ne-xbớc (Nam Phi) đều xác định “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Đặc biệt, vai trò của nước đã được nêu tại Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và tiếp tục được khẳng định trong khung Mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 được đề xuất tại Hội nghị của LHQ về phát triển bền vững năm 2012 là “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững vì nước có mối liên hệ chặt chẽ với các thách thức mà toàn cầu đang phải đối mặt”.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức như sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Nếu như năm 1986, cả nước mới có 480 đô thị, thì đến năm 2012 đã tăng lên 755 đô thị và dự kiến sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2020. Do đặc thù về địa lý tự nhiên, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn nước, vì có đến hơn 60% lượng nước mặt của Việt Nam bắt nguồn từ nước ngoài; trong khi những năm gần đây các nước ở thượng lưu đang tăng cường khai thác, sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, làm nguồn nước hạ lưu ngày càng bị suy giảm và ô nhiễm, nhất là lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng. Ngoài ra, do TNN của Việt Nam phân bổ không đồng đều tập trung chủ yếu trong khoảng ba tháng mùa lũ, chiếm 75-85% tổng lượng nước hằng năm, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước vào những tháng mùa khô.

Việc thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, các địa phương dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích, tranh chấp trong khai thác và sử dụng nước. Ý thức của người dân chưa cao, chưa nhận thức được vấn đề và trách nhiệm một cách đầy đủ, gây lãng phí nguồn nước sạch, cũng như thói quen vứt rác ra các dòng sông, kênh, rạch còn khá phổ biến, khiến cho nhiều dòng sông trở thành dòng sông “rác”…

Để bảo đảm an ninh nguồn nước cũng như mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường kiểm tra việc thực thi các chính sách, pháp luật trong quản lý và bảo vệ TNN. Hoàn thiện quy trình vận hành của hệ thống hồ chứa quan trọng, nhằm bảo đảm hài hòa đa mục tiêu giữa các đối tượng sử dụng nước và các địa phương. Tạo môi trường pháp lý, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải ở các địa phương.

Thực hiện điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, dự báo và cảnh báo để có thể nắm bắt kịp thời TNN quốc gia, nhất là sớm có quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản của cả nước, từ đó xác định lộ trình thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá TNN. Triển khai xây dựng các hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến gồm cả quan trắc nền, quan trắc biến động và giám sát khai thác, sử dụng, vận hành các hồ chứa, hoạt động xả thải vào nguồn nước. Lập và triển khai quy hoạch TNN chung cho cả nước, quy hoạch TNN các lưu vực sông lớn, liên tỉnh và quy hoạch TNN của từng địa phương, tạo cơ sở giải quyết các vấn đề chia sẻ, phân bổ, bảo vệ TNN và phòng chống những tác hại do nước gây ra. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về an ninh nguồn nước; trách nhiệm bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý; nâng cao năng lực khoa học, công nghệ quản lý TNN ở các cấp và thực hiện xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực TNN.

TS NGUYỄN THÁI LAI Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường
http://www.nhandan.com.vn/