Hạn chế khai thác nước ngầm tại TP Hồ Chí Minh

15/07/2023 492 lượt xem quantri

UBND TPHCM vừa ban hành lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn xuống còn 100.000m³/ngày vào năm 2025. Thực tế này sẽ có những tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của một số bộ phận doanh nghiệp (DN), tổ chức và người dân – khu vực sử dụng nước ngầm.

 

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Nhà máy khai thác nước ngầm tại xã Qui Đức, huyện Bình Chánh. Ảnh: THÀNH TRÍ

 

°Phóng viên: Bà có thể cho biết hiện trạng việc khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố như thế nào?

 

° Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Hiện nay, tổng lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố khai thác trung bình 716.581m³/ngày. Theo đó, hộ dân khai thác 355.859m³/ngày, DN khai thác 360.722m³/ngày. Trong đó cấp cho Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) chiếm hơn 1/3 tổng lượng nước cấp phép khai thác của DN. Riêng về tình hình cấp phép khai thác thì hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho 15 công trình, khai thác khoảng 142.940m³/ngày. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép 451 công trình với tổng lượng nước khai thác khoảng 158.248m³/ngày. Khối lượng nước còn lại khoảng 59.534m³/ngày khai thác không phép.

 

° Việc khai thác nước ngầm đã gây ra những tác động nào cho môi trường và hạ tầng của thành phố?

 

° Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào công bố về các tác động do khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như ban ngành liên quan đã xác định xảy ra một số trường hợp lún mặt đất mang tính cục bộ với diện tích ảnh hưởng nhỏ ở xung quanh các công trình khai thác nước dưới đất; ở những khu san lấp để xây dựng các khu công nghiệp, công trình giao thông, khu dân cư tập trung trên các vùng phân bố đất bùn, yếu và vùng trũng thấp.

Còn theo căn cứ khoa học, về lâu dài, nếu việc khai thác nước ngầm không được quản lý và kiểm soát tốt có thể gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước dưới đất và lún mặt đất. Do vậy, để ngăn ngừa những nguy cơ trên, trong Quy hoạch cấp nước và Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội TPHCM của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 lượng khai thác nước dưới đất còn 200.000m³/ngày, đến năm 2025 còn 100.000m³/ngày. Căn cứ theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định 1242/QĐ-UBND ngày 30-3-2018 về Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

 

° Giảm thiểu khai thác nước ngầm là giải pháp cấp bách và cần thiết. Thế nhưng, lộ trình sẽ được thực hiện như thế nào để không làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất của DN, người dân đang sử dụng nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố?

 

° Có thể thấy, việc giảm khai thác tập trung vào 4 nhóm đối tượng chính là hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong và ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp (không phải hộ gia đình) và các công trình khai thác của Sawaco. Thực tế triển khai lộ trình giảm khai thác sẽ có tác động ít nhiều đến những đối tượng trên do phải tìm nguồn nước thay thế hoặc chuyển đổi sử dụng nguồn nước khác. Do vậy, để giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu các cơ sở chủ động xây dựng lộ trình giảm khai thác nước ngầm cụ thể về thời gian và lưu lượng giảm, chuyển đổi nguồn nước. Mặt khác, không xem xét cấp phép khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt, thực hiện giảm dần lưu lượng phục vụ sản xuất đối với các khu vực đã có mạng cấp nước. Với các cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng được xem xét theo Quyết định 69 của UBND TP thì sẽ ngưng cấp phép mới hoặc không gia hạn giấy phép khai thác nước ngầm. Đồng thời, thực hiện trám, lấp giếng không còn sử dụng.

Đến năm 2025, lượng khai thác chỉ cấp cho các đối tượng cụ thể như các nhà máy khai thác của Sawaco (lưu lượng 30.000m³/ngày, phục vụ các trạm cấp nước an toàn của thành phố), phục vụ tưới tiêu và chăn nuôi của các hộ dân tại các huyện ngoại thành (lưu lượng 28.000m³/ngày).

 

° Nhiều ý kiến cho rằng, việc hạn chế khai thác nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

 

° Tôi nghĩ, việc hạn chế khai thác nước ngầm trong ngắn hạn sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất của DN, đời sống của người dân. Sẽ có một bộ phận người dân và DN trước đây không phải mất chi phí cho việc sử dụng nước ngầm hoặc trả chi phí rất thấp, thời gian sắp đến sẽ chuyển qua sử dụng nguồn nước cấp của thành phố với chi phí cao hơn. Một số ngành nghề sản xuất sử dụng nhiều nước sẽ phải trả thêm chi phí nên có khả năng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh với các DN cùng ngành ở địa phương khác. Điều này cũng sẽ xuất hiện trường hợp khai thác nước ngầm lén lút, không xin phép; dẫn tới các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy trình khai thác nước không được kiểm soát, có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên, lợi ích về lâu dài của việc hạn chế khai thác nước ngầm rất lớn, bởi sẽ giúp nâng cao ý thức sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ an toàn nguồn nước; giảm nguy cơ từ việc khai thác nước dưới đất (nguy cơ ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, lún mặt đất, sử dụng nước không đạt quy chuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe…). Đặc biệt, quan trọng hơn là thực hiện chiến lược an ninh nguồn nước, nước dưới đất dùng cho mục đích dự phòng.

 

° Với những tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định hạn chế khai thác nước ngầm thì sẽ xử lý như thế nào?

 

° Tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định hạn chế khai thác nước ngầm và các nghĩa vụ liên quan sẽ bị xử lý theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo nghị định trên, mức phạt tiền tối đa đối với 1 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng (cá nhân) và 500 triệu đồng (tổ chức).

Tác giả bài viết: MINH XUÂN

Nguồn tin: sggp.org.vn

15/07/2023 492 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm