Yếu kém trong thu gom, xử lý rác thải ở Duy Tiên (Hà Nam)

13/07/2023 405 lượt xem quantri
Hiện nay rác thải sinh hoạt ở thành phố/thị xã cơ bản được thu gom, xử lý, thê nhưng vấn đề rác thải sinh hoạt tại nông thôn vẫn còn là một bài toán khó giải, trong đó phải kể đến thôn Thần Nữ.
Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của người dân thôn Thần Nữ (xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Hà Nam) về việc ô nhiễm do đốt rác thải của thôn tại điểm trung chuyển rác.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV đã có mặt tại thôn Thần Nữ để tìm hiểu và xác minh thông tin phản ánh.
Khoảng 10 giờ, ngày 1/6, một mùi khét bao trùm thôn Thần Nữ là điều PV cảm nhận thấy đầu tiên khi có mặt tại đây. “Thủ phạm” dẫn đến mùi khét này chính là điểm trung chuyển rác của thôn Thần Nữ, chỉ cách khu dân cư khoảng 200m.
Điểm trung chuyển rác của thôn Thần Nữ, chỉ cách khu dân cư khoảng 200m, khói bay nghi ngút, không khí bao trùm mùi khét
Theo quan sát, rác thải ở đây được xử lý bằng phương pháp đốt thủ công, ngay tại điểm trung chuyển. Những túi rác còn chưa cháy hết nằm “vắt vẻo” khắp nơi trên mặt đường, hàng rào dây thép, thậm chí là cả trên cây.
Những túi rác còn chưa cháy hết nằm “vắt vẻo” khắp nơi
Do xử lý bằng phương pháp đốt thủ công nên những túi rác này vẫn không thể chảy hoàn toàn
Rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình một phần được thu gom, tái sử dụng trong chăn nuôi, một phần thu gom, bán phế liệu, còn lại là để lẫn với nhau không được phân loại. Sau khi đưa về điểm trung chuyển thì tất cả các loại rác phát sinh đều được xử lý bằng cách đốt.
Không tường bao, không trôn lấp, không hệ thống xử lý nước thải là thực trạng tại điểm đốt rác của thôn Thần Nữ. Cứ tiếp tục kéo dài, sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường, rỉ rác ngấm xuống đất sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, đặc biệt là túi nilon để phân hủy phải mất tới 50-60 năm.
Không tường bao, không trôn lấp, không hệ thóng xử lý nước thải là thực trạng tại điểm đốt rác của thôn Thần Nữ
Mưa xuống, rỉ rác ngấm xuống đất, nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm của người dân là rất cao
Trao đổi với PV, bà Năm (thôn Thần Nữ) cho biết: “Hiện nay rác sinh hoạt của thôn vẫn chưa có công ty thu gom. Trước đây có, nhưng công ty này đã bị đình chỉ hoạt động. Từ đó tới giờ người dân thường đem rác đến điểm trung chuyển để đốt”.
“Không đốt thì rác có mà chất thành núi, nhưng đốt thì cũng rất độc hại, cứ hôm nào đốt rác là mùi khét lại bay hết sang nhà chúng tôi”, bà Năm nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Loan (thôn Thần Nữ) chia sẻ: “Có hai vợ chồng được trưởng thôn thuê thu gom rác từ các gia đình về điểm trung chuyển. Tiền phí hàng tháng đóng theo đầu người, mỗi người 5.000 đồng/tháng. Tuy nhiên mỗi tuần chỉ thu gom 2 lần, nên nhiều khi rác cứ chất đống, trông vừa mất mỹ quan vừa hôi thối. Rác sau khi đưa về điểm trung chuyển của thôn sẽ được xử lý bằng cách đốt, mà phải dùng xăng chứ không cháy hết được đâu. Mong xã, huyện có hướng giải quyết để bà con không phải sống trong ô nhiễm nữa”.
Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Úy (Phó Chủ tịch xã Bạch Thượng). Trao đổi với PV, ông Úy cho biết: “Mới đây Công ty cổ phần môi trường Ba An bị đình chỉ hoạt động, do đó việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, hiện tại xã Bạch Thượng có 8 tổ thu gom, mỗi thôn sẽ có một tổ”.
“Hiện nay xã Bạch Thượng không có quỹ đất làm bãi đổ rác, cũng không thể đem chôn. Tuy nhiên cũng có Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã nhận xử lý rác thải của thôn Thần Nữ, việc thu gom và vận chuyển do người của thôn. Xã đã giao cho thôn quản lý, chịu trách nhiệm thu tiền của dân, một tháng là 4.000 đồng/nhà”, ông Úy nói thêm.
Người dân phản ánh về việc đốt rác tại điểm trung chuyển gây ô nhiễm, ông Úy cho rằng: “Dân miệng nói thế chứ bụng lại nghĩ khác, không có chuyện dân đốt mà có thể do những người nhặt đồng nát sau khi họ bới lên để tìm chai, lọ,.. họ đốt thôi. Việc gì dân phải đốt, vì sẽ có người trong tổ thu gom mang lên nhà máy Tâm Sinh Nghĩa để xử lý”.
Ông Úy cũng cho hay: “Đầu năm 2017, xã Bạch Thượng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ngày 19/5 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm khu nhà trọ của công nhân thôn Thần Nữ”.
Như vậy, UBND xã Bạch Thượng đã thật sự quan tâm đến vấn đề môi trường hay chưa? Khi môi trường ngày càng ô nhiễm, người dân không biết xử lý rác như thế nào, sau khi đã chuyển cho thôn quản lý thì chính quyền xã lại không hề thấu được nỗi khổ của dân.
Hiện nay cả nước đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng môi trường “xanh – sạch – đẹp”, theo đó đã có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện. Bên cạnh rác thải sinh hoạt ở thành phố/thị xã đã cơ bản được thu gom, xử lý thì vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn vẫn còn là một bài toán khó giải.
Hy vọng UBND xã Bạch Thượng cùng chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn tới vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, sớm tìm được hướng giải quyết trước thực trạng đốt rác sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Đây không chỉ là mong muốn của PV mà còn là mong muốn của chính những người dân đang sinh sống tại thôn Thần Nữ.
(MT&ĐT)
13/07/2023 405 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm