Nước thải chăn nuôi có cần sạch như… nước mưa?

08/07/2023 319 lượt xem quantri

Theo các quy định hiện hành nước thải trong chăn nuôi phải xử lý đến 36 chỉ tiêu, khi thải ra môi trường sạch như… nước mưa.

Chăn nuôi vướng quy định xử lý nước thải- ẢNH: LÊ LÂM

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho rằng quy định này không hợp lý và gây ra rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Chuẩn cao hơn cả Nhật Bản

Quy định này là của Bộ TN-MT. Ông Tống Xuân Chinh phân tích, trong 6 chỉ tiêu xử lý nước thải chăn nuôi theo QCVN 62, chỉ tiêu COD là 100 mg/l, cao hơn cả Trung Quốc (150 mg/l) và Nhật Bản (160 mg/l). Để xử lý đạt tiêu chuẩn theo QCVN 62, cơ sở hay doanh nghiệp (DN) chăn nuôi phải có công nghệ rất hiện đại, thậm chí là phối hợp nhiều loại công nghệ với nhau mới đạt. Còn nếu chỉ xử lý bằng các công trình khí sinh học hoặc hệ thống ao hồ sinh học thì không thể đáp ứng được vì cần một diện tích rất lớn. Khảo sát thực tế tại các DN lớn trong ngành chăn nuôi, chi phí để xử lý 1 m3 nước thải theo tiêu chuẩn này tiêu tốn khoảng 11.000 đồng/m3, chưa tính đầu tư công nghệ. Với chi phí này, giá thành chăn nuôi đội lên rất lớn và ngành chăn nuôi không thể cạnh tranh.

Đó là lý do kể từ khi ra đời tháng 4.2016, hiệp hội chăn nuôi các tỉnh thành đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo góp ý, kiến nghị nhưng tới nay vẫn không ăn thua. Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, bức xúc bảo vệ môi trường là quan trọng nhưng nếu tiêu chuẩn quá cao, chi phí lớn, khó thực hiện người ta sẽ nghĩ ra nhiều chiêu trò lách luật gây nguy hại hơn cho môi trường. Đơn cử, để xây mới một trại chăn nuôi quy mô 1.000 m2 chi phí đầu tư trên 1 tỉ đồng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng chuẩn phải tốn thêm khoảng 1 tỉ đồng, kèm theo đó là chi phí vận hành hệ thống. Như vậy là quá cao, gây khó khăn cho DN và các cơ sở chăn nuôi.

Cùng quan điểm trên, ông Trầm Quốc Thắng, chủ trang trại chăn nuôi heo Gia Phát (Củ Chi, TP.HCM), nhận xét: Tiêu chuẩn của Bộ TN-MT đưa ra là rất cao trong khi quy mô chăn nuôi của VN đa phần nhỏ lẻ, kể cả trang trại. Để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt chuẩn cần nguồn vốn lớn. Do vậy các trại chỉ nhìn nhau vì không ai mạo hiểm bỏ ra một số tiền quá lớn để đầu tư xử lý nước thải, chất thải khi trại bên cạnh vẫn không làm gì cả. Đó là lý do quy định ra đời 2 năm mà không đi vào cuộc sống. Đến bây giờ việc triển khai áp dụng vẫn gặp khó, các bộ ngành chưa thống nhất.

Cách tiếp cận phù hợp

Hầu hết các DN chăn nuôi đều cho rằng, chất thải chăn nuôi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nhưng không phải là chất thải nguy hại như các hoạt động sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy ngành quản lý cần có cách tiếp cận hợp lý hơn.

Theo ông Tống Xuân Chinh, các nước châu Âu, Bắc Mỹ đưa chất thải chăn nuôi vào hệ thống lưu trữ cho lên men bằng nhiệt độ. Chất thải sau khi xử lý được đưa ra các vùng trồng, bơm xuống đất làm phân bón. Họ quản lý môi trường theo quy chuẩn chất dinh dưỡng mà từng loại cây trồng cần. Khi xây dựng dự thảo luật Chăn nuôi, ngành nông nghiệp cũng tiếp cận theo hướng này. VN có trên 10 triệu ha đất nông nghiệp, rất phù hợp với sử dụng chất thải, nước thải trong chăn nuôi làm phân bón trong canh tác, sản xuất. Hiện tại mỗi năm, nhu cầu phân bón sử dụng trong nông nghiệp là khoảng 11 triệu tấn, trong đó 90% phân hóa học, chỉ có 10% là phân hữu cơ. Hiện chất thải rắn trong chăn nuôi đã được sử dụng làm phân bón hữu cơ theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP. Chất thải lỏng trong chăn nuôi vẫn phải tuân thủ các quy định QCVN 62 và 08 khi chưa có quy định mới thay thế. “Chúng tôi cho rằng vẫn cần quy chuẩn sử dụng nước thải trong chăn nuôi – xử lý thành phân bón hữu cơ dạng lỏng. Quy chuẩn này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi không phải xử lý nước thải chăn nuôi sạch như nước mưa mà có thể sử dụng để tưới, bón cho cây trồng giống như các nước Bắc Âu”, ông Chinh nói.

Trước lo ngại chất thải chăn nuôi tuy ít nguy hiểm như chất thải công nghiệp nhưng lại có một rủi ro khác là có thể mang mầm bệnh. Trong điều kiện có dịch bệnh, mầm bệnh có thể lây lan và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bộ NN-PTNT cho rằng, cần phải có quy chuẩn xử lý cụ thể để tránh phát tán mầm bệnh từ chăn nuôi. Muốn làm được đòi hỏi ngành chăn nuôi cần phải tập trung. Với thực trạng chăn nuôi phân tán như hiện nay, các trang trại nhỏ lẻ cũng không thể thực hiện. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích các DN sản xuất phân bón hiện nay đẩy mạnh sang hướng sản xuất phân bón hữu cơ. Điều quan trọng nhất các quy định, quy chuẩn của pháp luật phải sát thực tế để nó có thể đi vào cuộc sống.

 thanhnien.vn

08/07/2023 319 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm