Giảm thiểu tác động của nước biển dâng

03/06/2023 411 lượt xem quantri
Tình trạng nước biển dâng trên thế giới
Từ năm 1978 đến nay, lượng băng trung bình hàng năm ở Bắc Băng Dương giảm khoảng 2,1-3,3% mỗi thập kỷ. Sự nóng lên của hệ thống khí hậu được minh chứng thông qua số liệu quan trắc ghi nhận sự tăng lên của nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước biển trung bình toàn cầu, sự tan chảy nhanh của lớp tuyết phủ và băng, làm mực NBD trung bình toàn cầu tăng. Từ tháng 10/1992 đến 12/2010, mực NBD với tốc độ là 3,27 mm/năm; trên quy mô toàn cầu, xu thế biến đổi của mực nước biển tăng mạnh ở ven bờ Tây Thái Bình Dương trong khi xu thế giảm ở bờ Đông Thái Bình Dương.
Một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi nước dâng do bão là Băng-la-đet. Năm 1991, nước dâng do bão lên cao tới hơn 6 m đã làm hơn 138.000 người thiệt mạng. Năm 2005, cơn bão Katrina đổ bộ vào thành phố New Orleans bang Lousiana – Hoa Kỳ ngày 29/8/2005 với sức gió trên 140 dặm/giờ (~225 km/h), đã phá hỏng hệ thống đê bảo vệ và gây nước dâng 6 m. Hơn 1000 người chết và mất tích trong cơn bão này, chủ yếu là vì nước dâng do bão, gây thiệt hại khoảng 81,2 tỷ USD. Tại khu vực Đông Nam Á, nước dâng do bão trong cơn bão Nargis đổ bộ vào Myanma ngày 2/5/2008 làm hơn 100.000 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 10,0 tỷ USD và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân vùng bão đổ bộ cũng như môi trường xung quanh. Các khu vực khác trên thế giới như khu vực Đông – Bắc Á, vùng biển Caribe cũng chịu nhiều thiệt hại bởi nước dâng do bão, trong đó nước dâng cao nhất đo được tại Triều Tiên đạt tới 5,2 m. Đặc biệt, tháng 11/2013, siêu bão Haiyan khi đi qua Philiipine đã gây nước dâng trên 5 m, là nguyên nhân chính gây ra cái chết của trên 6.200 người.
Tại Hà Lan, năm 1953, nước dâng do bão tràn qua hệ thống đê biển phía nam Hà Lan làm gần 2000 người chết. Một thập kỷ trước đây, chính quyền Hà Lan bắt đầu nghiên cứu những lựa chọn của họ không chỉ với những vùng đất hạ thấp dần mà còn cả với tình trạng NBD. Các kỹ sư xây dựng xem xét nhiều phương án, bao gồm cả kế hoạch bỏ một phần lớn lãnh thổ cho biển. Kế hoạch hiệu quả nhất về mặt chi phí là gia cố những con đê và trạm bơm hiện có với chi phí khoảng từ 19 tới 25 tỷ USD. Hà Lan cũng lên kế hoạch dành thêm những vùng bãi cho sông Ranh và sông Mơ-xơ. Họ gọi kế hoạch này là “dành thêm chỗ cho nước”. Những con sông nước dâng tự nhiên tràn ngập cả một vùng rộng mênh mông vào mùa xuân, để lại lớp phù sa màu mỡ. Người Hà Lan muốn canh tác và định cư ở những vùng đất như vậy, cho nên bao bọc sông bằng những con đê nhân tạo. Chiến lược mới của Hà Lan là sẽ dành cho sông thêm những khoảng trống để tràn nước tự nhiên, hơn là cố ép vào trong những kênh đào. Vào năm 2050, 90.000 ha đất sẽ được dùng cho việc tăng độ rộng của bãi sông, chuyển vùng đó thành rừng tự nhiên và đầm lầy. 25.000 ha đồng cỏ khác sẽ được dành riêng làm những ao trữ nước tạm thời lớn khi lũ lụt. 
Việt Nam giảm tác động của nước biển dâng 
Ở Việt Nam, nước dâng do bão cũng đã gây rất nhiều thiệt hại về người và của. Theo thống kê, bão đứng hàng đầu trong số 6 thiên tai xảy ra ở nước ta, sau đó là lụt, hạn hán, cháy rừng, lở đất và động đất. Nước dâng trong bão kèm theo sóng lớn là nguyên nhân gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến đê biển và các công trình ven biển, và nó trở lên đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra trong thời kỳ triều cường. Tại một số khu vực có biên độ thủy triều lớn như vùng Quảng Ninh-Hải Phòng và khu vực ven biển từ Bà Rịa – Vũng Tầu đến Cà Mau, nếu bão đổ bộ vào lúc triều cường thì chỉ cần những cơn bão gây nước dâng nhỏ cỡ vài chục cm đã gây ngập lụt vùng ven bờ, như trường hợp bão số 2 năm 2013 đổ bộ vào Hải Phòng chỉ với cấp 8 gây nước dâng 0,7 m nhưng vào lúc triều cường đã gây ngập lụt khu vực Đồ Sơn-Hải Phòng. Trên thực tế tại Việt Nam đã có một số cơn bão mạnh đổ bộ vào bờ tại thời điểm triều cường như bão Washi năm 2005, bão Sangse năm 2008. 
Theo số liệu mực nước quan trắc tại các trạm hải văn ven biển cho thấy, xu thế biến đổi mực nước biển trung bình năm không giống nhau. Hầu hết các trạm có xu hướng tăng, tuy nhiên, một số ít trạm lại không thể hiện rõ xu hướng này. Xu thế biến đổi trung bình của mực nước biển dọc bờ biển Việt Nam là khoảng 2,8 mm/năm. Số liệu mực nước đo đạc từ vệ tinh từ năm 1993 đến 2010 cho thấy, xu thế tăng mực nước biển trên toàn Biển Đông là 4,7 mm/năm, phía Đông của biển Đông có xu thế tăng nhanh hơn phía Tây. Chỉ tính cho dải ven bờ Việt Nam, khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Tây Nam Bộ có xu hướng tăng mạnh hơn, trung bình cho toàn dải ven biển Việt Nam tăng khoảng 2,9 mm/năm. Qua các nghiên cứu khoa học của Việt Nam gần đây, trong thời gian khoảng 50 năm (1951-2000), nhiệt độ trung bình/năm của Việt Nam đã tăng khoảng 0,5-0,700C, mực NBD khoảng 20 cm.
Theo Kịch bản BĐKH cho Việt Nam do các nhà khoa học Viện Khoa học KTTV&BĐKH mới xây dựng năm 2016, theo kịch bản RCP4.5, vào cuối thế kỷ 21 mực NBD cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: 58 cm (33 cm ÷ 83 cm); thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dấu: 53 cm (32 cm ÷ 75 cm). Theo kịch bản RCP8.5, vào cuối thế kỷ 21 mực NBD cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: 78 cm (52 cm ÷ 107 cm); thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dáu: 72 cm (49 cm ÷ 101 cm). Nếu NBD 1 m, khoảng 17,57% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP. Hồ Chí Minh và 4,79% diện tích Bà Rịa – Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. ĐBSCL, khu vực có nguy cơ ngập cao (39,40% diện tích), trong đó tỉnh Kiên Giang có nguy cơ ngập cao nhất (75% diện tích). Các đảo có nguy cơ ngập cao nhất là cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc. Nguy cơ ngập đối với những đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa là không lớn. Cụm đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, lớn nhất là tại cụm đảo Lưỡi Liềm và Tri Tôn.
Để đối phó với các hiểm họa NBD, nước ta xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước trong vùng, giảm thiệt hại do nước gây ra. Thực tế cuộc sống cho thấy vai trò của công tác thủy lợi có ảnh hưởng rất to lớn đến chất lượng nước của các vùng. Vì thế, cần phải đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy hiệu quả các hệ thống và công trình thủy lợi đã có, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch thủy lợi, thực hiện các dự án trong tương lai. Như các biện pháp công trình kiểm soát lũ ở ĐBSCL, như làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Có thể hiểu đê bao là những đường, đê được xây dựng vững chắc cao hơn mực nước lũ thiết kế để các trận lũ lớn nước không tràn qua. 
Việc xây dựng các đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông ở Việt Nam là rất cần thiết. Khi nước biển dâng cao, để bảo đảm an toàn cuộc sống của mọi người dân chúng ta có thể làm “đê cứng” (bê tông cốt thép dày). Giải pháp dễ làm, khả thi, ít tốn kém và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên là “làm đê mềm” bằng cách “trồng rừng ngập mặn” ở tất cả những bãi sình lầy, những nơi có thể trồng được các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt, với chiều rộng từ 300 – 1.000 m, phía bên trong là đê, kết hợp với đường giao thông. Cần xây dựng các “mô hình cụm và tuyến dân cư an toàn”; kết hợp với ao, hồ dự trữ nước ngọt ở những vùng đông dân, mà tương lai sẽ bị ngập sâu với cốt nền cao hơn mực nước năm 2100, chấp nhận “sống chung với nước dâng cao”. Trước hết, phải kể đến các mô hình như tôn nền các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở. Hình thức thực hiện là tôn nền các cụm, tuyến dân cư cao hơn mức ngập lụt để xây dựng nhà ở. Trên cụm, tuyến dân cư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống người dân. Ở ven biển các tỉnh Miền Trung, việc bảo vệ các rừng phi lao, rừng dừa chắn gió bão, chắn sóng và nước biển dâng là rất cần thiết để bảo vệ mùa màng và khu dân cư vốn nằm trên những vùng đất cát rất nhạy bén NBD.

NGUYỄN VĂN VĨNH
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế
03/06/2023 411 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm