Một số cách làm sạch nước đơn giản cho người dân vùng lũ

09/06/2023 132 lượt xem quantri

Trước thực trạng sau lũ lụt, tại nhiều vùng người dân không có nước sạch để dùng. Để có nước sạch sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe bà con có thể áp dụng một số phương pháp sau.

Một số cách làm sạch nước.​

Sử dụng viên nén lọc nước

Viên Cloramin B hoặc Cloramin T, viên Aquatabs, Chlorine và iodine được dùng khá phổ biến để lọc nước và hóa chất.

Viên Cloramin B hoặc Cloramin T: Hòa tan 1 viên Cloramin B hoặc  Cloramin T vào một gáo nước, rồi đổ vào bể chứa nước và khuấy đều. Nước phải có mùi clo mới có tác dụng. Đợi khoảng 30 phút sau là có thể sử dụng được. Một viên Cloramin B 0,25g có thể làm sạch được khoảng 25 lít nước. Tuy nhiên, cần lưu ý, nước dùng để khử trùng không được lấy nước trực tiếp từ sông, suối, ao hồ mà phải sử dụng nguồn nước sau khi đã được làm trong.

Viên Aquatabs: Cho 1 viên Aquatabs 50mg vào chậu chứa nước trong khoảng 15 lít nước, đậy nắp lại, để khoảng 30 phút là có thể dùng được. Đây cũng là một loại hóa chất khử trùng bằng dưới dạng viên nén. Nước khử trùng bằng Aquatabs có thể sử dụng để ăn uống trực tiếp, tuy nhiên nên đun sôi trước khi uống.

Chlorine và iodine: Hai hóa chất thường dùng là chlorine (hay còn gọi là thuốc tẩy) và iodine có tác dụng diệt khuẩn. Chlorine và iodine chỉ dùng để khử trùng nước giếng sau khi đã làm trong. Với mỗi lít nước cho khoảng 10 giọt chlorine. Có thể dùng gấp đôi nếu nước đục hay có màu. Đối với iodine, cho 5 giọt iodine 2% vào khoảng 1,5 lít nước.

Hóa chất khử trùng phải khuấy thật kỹ, sau đó để yên trong vòng 30 phút. Nếu chưa thấy mùi clo, cần cho thêm hóa chất vào.

Nước sau khi được làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Sử dụng phèn chua

Đây là giải pháp được người dân sử dụng từ nhiều thế kỷ qua. Dùng miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay hòa tan vào gáo nước. Sau khi phèn tan, đổ gáo nước đó vào xô, chậu khuấy đều. Chờ khoảng 30 phút sau khi cặn lắng xuống đáy xô chậu thì gạn lấy nước trong.

Tuy nhiên, cần lưu ý nước làm sạch bằng phèn chua chỉ có thể dùng tắm rửa. Nếu muốn sử dụng để đun nước uống hoặc nấu ăn thì cần đun sôi hoặc khử trùng bằng hóa chất xử lý nước.

Đun sôi rồi lọc cặn

Cách đơn giản và hữu hiệu nhất là đun sôi nước để diệt vi khuẩn có hại. Sau đó, có thể dùng vải bông y tế hoặc vải màn sạch để lọc bỏ cặn là có thể dùng được.

Ngoài ra, việc đun nấu kĩ thức ăn, nước uống, không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, thu gom rác thải hoặc lao động… là hết sức cần thiết để tránh bị nhiễm bệnh.

(Nguồn: Theo doanhnghiepvn.vn)

09/06/2023 132 lượt xem quantri